Đặc điểm Tự_truyện

Tuy cùng nói về cá nhân, cần phân biệt tự truyện với các dạng thức thông thường khác của tiểu sử nhà văn như các sơ yếu lý lịch, các bản tự thuật ngắn gọn nhằm đáp ứng các cuộc phỏng vấn của báo chí, các bản tự thuật mà nhà văn cho in kèm theo khi công bố tác phẩm của mình. Trong thực tế tự truyện bao gồm cả yếu tố truyện (hình thức, một thể loại tự sự) và yếu tố tự thân (nội dung, bản thân) của người của người viết truyện. Tác phẩm tự truyện thường có thiên hướng lý giải cuộc sống đã qua của tác giả như một chỉnh thể, tạo nên những đường nét mạch lạc cho cuộc sống kinh nghiệm của mình. Người viết tự truyện có khi vận dụng hư cấu, thêm thắt hoặc sắp xếp lại các chi tiết của cuộc đời mình.

Do luôn là hành vi khắc phục cái thời gian đã qua, thể hiện mưu toan quay lại với thời tuổi trẻ, tuổi thơ, làm sống lại những quãng đời nhiều kỷ niệm nhất, hình thức tự truyện thường được viết khi tác giả đã trưởng thành, đã trải qua phần lớn các chặng đường trong cuộc đời mình và nhìn lại những gì đã qua như một sự chiêm nghiệm.

Là một thể loại mang tính giáp ranh (với hồi ký, nhật ký, tiểu sử), tự truyện vẫn có sự khác biệt nhất định. Nhật ký vốn thiên về tóm tắt sự kiện đang diễn ra, không hư cấu, và có thể không bao gồm sự bình luận về sự kiện, trong khi tự truyện có thể bao gồm sự tái cấu trúc, sắp xếp sự kiện rời rạc không liền lạc trong trí nhớ của tác giả, có thể gắn với hư cấu. Nhật ký cũng không có sự cách biệt giữa thời gian viết và thời gian được nói tới mà là những sự kiện đang diễn ra theo tiến trình thời gian sống của người cầm bút, trong khi đó tự truyện, do hạn chế của khoảng cách thời gian sự kiện được viết và thời điểm viết, đã ngăn trở ít nhiều việc nhìn nhận lại cuộc đời của bản thân mình như một chỉnh thể duy nhất và liền mạch.

Tự truyện cũng khác biệt với hồi ký tuy ít nhiều rất khó có thể tìm một ranh giới tuyệt đối cho thể loại: nếu tác giả tự truyện thường tập trung vào quá trình hình thành và lịch sử thế giới nội tâm của mình trong sự tương tác với thế giới bên ngoài, thì hồi ký thường lưu ý trước hết đến thế giới bên ngoài ấy, với những con người, cảnh quan đã được tác giả tiếp xúc, nếm trải. Sự khó khăn trong việc phân định loại thể của tự truyện so với hồi ký sẽ chỉ được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học giải quyết với từng trường hợp cụ thể, tác phẩm nhấn mạnh ở khía cạnh tự truyện hơn hay hồi ký hơn, mà thôi.